Giai đoạn phát triển Hồi giáo tại Việt Nam

Một thánh đường Hồi giáo Chăm Islam của người Chăm ở Châu Đốc, An Giang.

Vào giữa thế kỷ XIX, với sự thống trị của người Pháp ở Đông Dương, nhiều tín đồ đạo Hồi người Chăm đã di cư ngược từ Cao Miên vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát triển cộng đồng Hồi giáo ở Việt Nam. Điều này lý giải vì sao các tín đồ Hồi giáo tại Việt Nam tập trung chủ yếu từ miền Trung đổ vào miền Nam Việt Nam.

Do vị trí địa lý và hoàn cảnh truyền đạo, điều kiện sống và sự giao lưu của người dân tộc Chăm với bên ngoài nhất là với thế giới Hồi giáo mà ở Việt Nam hình thành 2 khối Hồi giáo với nhiều khác biệt đáng kể:

  • Hồi giáo miền Trung Việt Nam gọi là Hồi giáo Chăm Bani. Đây là nhóm Hồi giáo không chính thống[4] vì đã pha lẫn với yếu tố sinh hoạt và tôn giáo bản địa. Các lễ thức được tiếp biến cho phù hợp với chế độ gia đình mẫu hệ và các lễ liên quan đến chu kỳ đời sống của con người và các lễ thức nông nghiệp, không có liên hệ với Hồi giáo thế giới. Có thể nói rằng, Hồi giáo Bàni ở Việt Nam là tôn giáo đặc trưng chỉ có ở Việt Nam, nó gắn chặt với dân tộc Chăm, là một phần tạo nên bản sắc văn hoá tôn giáo của người Chăm, mặt khác chính bản sắc văn hoá của người Chăm đã có tác động làm "mềm hoá" tính cứng nhắc của Hồi giáo, làm cho hệ phái Hồi giáo ở Việt Nam phong phú và đa dạng.
  • Hồi giáo ở miền Nam Việt Nam là Hồi giáo Chăm Islam, gần như theo Hồi giáo chính thống, thuộc dòng Sunni, ít bị pha trộn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũ và thường xuyên liên hệ với thế giới Hồi giáo Campuchia và Malaysia[5].
    • Khi người Chăm từ Chiêm Thành sang Chân Lạp tị nạn, họ đã sống cộng cư cùng người Mã Lai Hồi giáo tại Chân Lạp (gọi là Java, Jawa, Chvea, Chà-và...).
    • Hồi giáo tại Chân Lạp do đó có sự liên hệ nhiều tới thế giới Hồi giáo bên ngoài nên một số nhóm ít bị "địa phương hóa" như Hồi giáo Chăm Bani ở miền Trung Việt Nam. Do vậy, không thể nói toàn bộ người Chăm ở Chân Lạp là những người hoàn toàn theo Hồi giáo chính thống.
    • Khi người Chăm (và người Chvea) từ Chân Lạp về Tây Ninh và An Giang định cư, họ mang theo Hồi giáo có sẵn từ Chân Lạp về. Sau đó trong chính cộng đồng này lại phát sinh thêm sự phân hóa giữa nhóm Kaum Tua (người cũ, muốn giữ Hồi giáo đã có sẵn từ lúc ở Chân Lạp về Việt Nam) và nhóm Kaum Muda (ngưới mới, là người đi du học ở Malaysia về và muốn cải cách Hồi giáo cho giống với Malaysia theo hệ phái Shafi'i (شافعي‎, Shāfiʿī, Salafiyah))

Hồi giáo Mã Lai có ảnh hưởng lớn với cộng đồng người Chăm qua những bài khutba soạn bằng tiếng Mã Lai. Người Chăm cũng thường tìm sang Malaysia tu học giáo lý và tiếp nhận tư tưởng đạo Hồi qua sự diễn dịch của người Hồi Mã Lai [6][7].

Các làng Chăm ở tỉnh An Giang (huyện An Phú, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tân Châu).

Từ thời Pháp thuộc, tại Nam Kỳ đã có tổ chức Saykhon Islam đại diện cộng đồng Hồi giáo cho người Chăm và Mã Lai. Năm 1960, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, cộng đồng người Chăm Hồi giáo lập ra "Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam" có văn phòng đặt tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng hoà. Năm 1966, có thêm tổ chức "Hội đồng giáo cả các Thánh đường Hồi giáo Việt Nam" đặt văn phòng tại Châu Đốc. Cả hai tổ chức này cùng tồn tại cho đến tận năm 1975.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hồi giáo tại Việt Nam http://chanlyislam.net/home/modules.php?name=News&... http://www.vnexpress.net/Vietnam/The-gioi/Anh/2007... http://vietnamnet.vn/thegioi/hoso/2006/12/648002/ http://vovnews.vn/Home/Khanh-thanh-thanh-duong-Hoi... https://www.academia.edu/567094/The_Cham_Minority_... https://repository.asu.edu/attachments/97673/conte... https://commons.wikimedia.org/wiki/Category:Islam_... https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/turkish-aid-... https://books.google.com.vn/books/about/Cambodia_s...